LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU
Lịch Sử Hội Những Ngày Đầu (tt)
Old Diary Leaves - H.S. Olcott
Chương XXIV
Xem Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (Các Bài Trước)
Lễ động thổ xây cất thư viện Phạn ngữ tại Adyar diễn ra ngày đầu năm 1886. Hồi ký ghi lại những thành quả tính đến nay là:
– Báo Theosophist ra số đầu tiên tháng 10.1879, trong 10 số đầu có 429 trang dịch từ Phạn ngữ, 935 trang bài viết về tôn giáo đông phương, triết lý và khoa học.
– Hằng trăm buổi thuyết giảng của ông Olcott, và hằng trăm buổi khác do nhiều cộng sự viên khác tại Ấn, Mỹ và Ceylon.
– Phong trào giáo dục Phật giáo đã bắt đầu và đang được đẩy mạnh tại Ceylon.
– Nhiều trường Phạn ngữ được lập tại Ấn
– HPB và ôngOlcott viếng thăm Âu châu
– Các chi bộ được thành lập ở Âu châu, Hoa Kỳ, Ấn Độ
– Một số lượng sách đáng kể được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ
– Ông Olcott đi hằng ngàn cây số ở Ấn lo việc hội, và đi tới đa số những làng thuộc các tỉnh duyên hải của Ceylon.
Sang ngày 27.1 ông Olcott và ông Leadbeater đi Colombo, Ceylon có những buổi thuyết giảng giúp quỹ giáo dục Phật giáo, theo lời ông hứa trước kia. Do đi qua nhiều nơi trên đảo Ceylon và chứng kiến các sinh hoạt xã hội, ông thấy rằng hỏa táng là tục lệ phổ thông tại Ceylon trước khi bị Portugal chiếm. Họ đến làm thay đổi phong tục là chôn thay vì hỏa táng; cách sau nay chỉ còn dùng cho hàng tăng lữ và người ở địa vị cao. Tuy vậy một số người và ông Olcott đã thúc giục thân hữu trên đảo Ceylon trở lại lề thói tốt đẹp ngày xưa. Việc ướp hương thơm cho xác chết bằng hương liệu, rồi chôn vào lòng đất là biến nó thành xác đầy độc chất, và là tục lệ sinh ra từ niềm tin sai lầm về đời sống sau khi chết. Hỏa táng là hệ quả tự nhiên của ý niệm đẹp đẽ, cao thượng và hợp lý hơn về phần xác phàm hư hoại của con người, điều có dạy trong cả Ấn giáo và Phật giáo.
Chương XXV
Tới tháng hai, người tại Colombo nẩy ra ý làm một lá cờ cho mọi Phật tử như là biểu tượng chung cho đạo Phật, tựa như cây thánh giá đối với tất cả người theo Thiên Chúa giáo. Ông Olcott thấy lá cờ còn có tiềm năng rộng lớn như là tác nhân kết hợp mọi chi nhánh Phật giáo, ấy cũng là tâm nguyện của ông từ buổi đầu làm việc liên quan đến Phật giáo.
Có nhiều điểm dị biệt giữa Nam tông và Bắc tông, nên kết hợp hai phái là việc khó làm tuy không phải là vô vọng. Quyển vỡ lòng về Phật giáo Buddhist Catechism của ông được lưu hành ở cả Ceylon và Nhật, nay việc có lá cờ chung là sự tăng cường mạnh mẽ khác.
Các thân hữu tại Colombo có ý nghĩ độc đáo và mới lạ, là cho lá cờ có sáu mầu theo truyền thống là những mầu trong hào quang đức Phật: xanh dương, vàng chói, đỏ tía, trắng, đỏ tươi, và mầu thứ sáu là tất cả năm mầu trước hòa chung. Mẫu cờ như vậy sẽ tránh được mọi tranh cãi giữa Phật tử với nhau, vì theo tục lệ tất cả mọi người không phân biệt đều chấp nhận hình dạng và hào quang của ngài. Hơn thế nữa, lá cờ không có tính cách chính trị gì cả mà thuần tôn giáo.
Người tại Colombo vẽ kiểu lá cờ nhưng nó dài như lá phướn, không thích hợp cho việc treo trong phòng hay cầm đi diễn hành. Ông Olcott đề nghị hình dạng và kích thước như của quốc kỳ và điều này được chấp thuận. Lễ Wesak năm ấy, lá cờ được treo lên tại Ceylon rồi từ đó lan sang những nước theo Phật giáo. Về sau, ông được người Tây Tạng cho hay là những mầu này cũng là mầu trên hiệu kỳ của đức Dalai Lama.
Giống như các chuyến đi trong Ấn Độ, việc di chuyển tại Ceylon cũng đáng nói, nhóm của ông đi xe lửa, xe bò, tự nhiên là không có lò xo qua những ổ gà đáng sợ. Ông kể là bao nhiêu xương cốt trong người bị xóc mạnh, gây khó khăn cho ai yếu lưng, và đôi khi họ chỉ tới nơi lúc ba giờ sáng.
Ông Olcott về lại Adyar ngày 5. 2. Một lá thư của hội viên đến vào tháng sáu gây ngạc nhiên. Ở trang đầu họ nói về việc Damodar ra đi mất dạng và mọi người không biết anh sống chết ra sao. Trang hai để trống và ông thấy có đoạn thư dài của đức K.H. với nét chữ quen thuộc của ngài, trả lời thắc mắc ấy, rằng anh còn sống và được an toàn, và sẽ đạt được ước nguyện chứng đạo của mình; và rằng mọi người nên ý thức có một luật Karma không sai chạy và theo đó mà hành xử.
Thư được gửi trả lại cho người gửi, ông hỏi anh có biết gì về chuyện ấy không; anh trả lời bằng thư nhận ngày 17.6 tỏ ý vui mừng với sự việc, và cho biết nhiều người khác cũng nghĩ vậy.
Chương XXVI
Ngày 17.5 ông Olcott đi Bangalore theo lời mời của một số người thế lực, tới để giảng và thành lập chi bộ. 15 năm sau từ ngày ông đến đây, dưới sự quản trị của thủ tướng K. Seshadri Iyer, vùng đất có những tiến bộ thật kinh ngạc. Vùng này là một nơi trù phú nhất của Ấn, có chính sách giáo dục cho hai phái nam nữ đáng làm gương cho những nơi khác. Khi biết ra thủ tướng là hội viên tận tụy từ chuyến đi năm 1886 của mình, ông Olcott cho rằng lý do mức phúc lợi của dân chúng được thăng tiến, là bởi người cai trị thực hành các nguyên tắc của Theosophy.
Trọn thời giờ của ông trong lúc ở đây, được dành cho việc thuyết giảng mỗi đêm trước công chúng về các đề tài thông thường, với số người mới mỗi ngày một đông hơn tại những chỗ ông ghé qua. Nói thêm thì ngoài thủ tướng K. S. Iyer, thủ tướng nhiều tiểu bang khác cũng gia nhập Hội và thành thân hữu lâu năm với ông Olcott. Kinh nghiệm thú vị cho ông là tại Bangalore, một tiểu đoàn công binh đã mời ông đến giảng với trọn cử tọa là quân nhân. Ông trở về Madras ngày 2. 8, vùi đầu vào việc hội, sửa sang mái nhà dột của trụ sở, và xếp đặt sách lại thư viện nay có hai nơi riêng biệt cho sách đông phương và tây phương.
Chương XXVII
Nhiều việc xây cất được thực hiện trong năm 1886, tiếng động của kềm, búa nghe vang quanh năm. Ngoài việc xây lại phòng ngủ của HPB trên lầu thành thư viện cho sách tây phương, người ta còn phải lo hoàn thành mau lẹ thư viện đông phương, cho kịp đại hội thường niên vào cuối tháng 12. Trước đó vào đầu tháng, ông nhận được bản thảo quyển 1 bộ Secret Doctrine do HPB gửi về để ông T. Subba Row đọc và nhuận sắc. Ông Row chỉ bằng lòng đọc mà không thuận làm gì thêm, vì sách có nhiều lỗi. Khi ông Olcott cho bà nghe vậy, HPB lấy làm tiếc nhưng mau mắn coi lại và sửa chữa các sai sót.
Ông Olcott ghi rằng một điều phải nói về HPB, là bà luôn nhiệt thành muốn được cho biết những sai lầm trong sách của mình, nhất là những sách do chính bà soạn ra như The Voice of the Silence, mà không phải sách được đọc cho bà viết, như hai bộ Secret Doctrine và Isis Unveiled.
Thư viện hoàn thành ngày 22.12, và chính thức khánh thành ngày 28.12 với các giáo sĩ Ấn giáo, Phật giáo, Hỏa giáo và Hồi giáo tham dự nghi lễ. Sự việc làm ông Olcott rất đỗi hài lòng vì chuyện như thế - giáo sĩ thuộc các tôn giáo khác nhau của đông phương cùng hợp lực làm lễ - mà cũng vì trước khi có Hội tại Ấn, không có việc người thuộc mọi giai cấp và giáo phái của Ấn cùng nhau họp lại, mừng việc làm của một tổ chức do người ngoại quốc khởi xướng là Hội. Mỗi giáo sĩ theo phiên bước lên bục giảng, làm lễ theo nghi thức của tôn giáo mình và chúc lành cho công cuộc, trong khi cử tọa chăm chú theo dõi cảnh tượng mà chưa ai thấy hay có thể mơ ước ở Ấn trước đây. Đó là một trong những ngày vui nhất cho ông Olcott.
Chương XXVIII
Năm 1887 là một năm vô cùng bận rộn khác cho hội. Chương trình được soạn ra vào đầu năm và ông Olcott đi tầu sang Colombo tới nơi ngày 24.1. Ông mở cuộc du hành bằng nhiều phương tiện như xe lửa, xe thư, đi thuyết giảng Phật giáo và Theosophy cho người lớn và trẻ nhỏ, tại nhiều nơi ở Ceylon, hoặc là chi bộ hội hoặc là chùa, từ đồng bằng nóng bức lên cao nguyên mát mẻ cách nhau chỉ năm giờ xe lửa; hay khởi hành lúc ba giờ sáng để tới nơi là hai giờ trưa.
Kỷ niệm đáng nhớ lần này là làng những người bệnh phong, bệnh Hansen, ở gần Colombo mời ông đến giảng về ngũ giới của Phật giáo.
Trở về Bombay ngày 5.3, theo chương trình ông đi tới các tiểu bang, gặp tiểu vương hay nhân vật trong chính quyền để lo mặt ngoại giao với hội, được yêu cầu nói về Hồi giáo tại các nơi theo đạo Hồi, và Theosophy theo quan điểm Ấn giáo ở nơi khác.
Chương XXIX
Để chuẩn bị cho chuyến đi tới lên miền bắc Ấn, ông Olcott gửi thư nói mức đóng góp cao nhất mà mỗi chi bộ phải lo thì không quá 17 rupee; đây là chi phí cho củi đốt, sữa, thực phẩm cần ở mỗi nơi ghé lại và mua ở nơi khác. Thư khuyến cáo chi bộ không nên đóng nhiều hơn cho ai khác về bất cứ điều gì. Có khuyến cáo như thế vì ông muốn tránh việc chi tiêu phung phí của thân hữu cho ông từ trước tới nay, cũng như tránh việc đòi hỏi các chi bộ phải lo cho chuyến đi. Ông không thể chấp nhận việc số tiền hằng trăm rupee được chi cho cuộc viếng thăm của ông, trong khi một số tiền không đáng kể là đủ trang trải tất cả nhu cầu ông có.
Cẩn thận này là điều tốt vì cho chuyến đi các nơi năm 1887 dài 16.000 cây số, chi phí tất cả tính ra thật tiết kiệm. Ông buồn cười là có chi bộ thẳng thắn đến mức lúc ông đến, sau khi xong việc chào đón họ đưa bảng ghi các món đã sắm cho ông như:
– Hai bình nước lớn bằng đất nung
– Củi
– Một bình sữa
– Một ổ bánh mì
– Một bình đường
– Một người phụ bếp
Và chỉ cho ông thấy các món đã mang ra để sẵn ở sân ga ! Trong tất cả những chuyến đi này không có chi phí khách sạn, mà thường là ông ở nhà khách chính phủ, khi khác là khách của các tiểu vương, hoặc ở trong lều dựng ở khu đất trống; xe lửa thì ông đi đâu cũng đi hạng nhì, thực phẩm tốn chưa bằng thực phẩm nuôi chó mèo trong nhà ở Anh hay Pháp.
Ngày 25.4.ông nhận được tin từ Ostende - Bỉ về sức khỏe của HPB. Các y sĩ nói rằng bà nằm giữa lằn ranh sinh tử. Nhưng ông ghi ‘Bà không chết được.’ Và quả thực HPB hồi phục.
Ông Olcott đi lên miền bắc Ấn ngày 27.4, trời nóng bức, giữa đêm mà nhiệt độ là khoảng 35 độ C. Ở mỗi trạm ghé lại ông bận rộn ngày và đêm với việc thuyết giảng trước đám đông, trò chuyện, thu nhận người gia nhập Hội, thăm viếng, lập chi bộ. Một số người Âu châu tới nghe và tỏ ra lưu tâm đến TTH, và có vài người xin gia nhập.
Địa điểm kế tiếp phải đi xe lửa một ngày mới tới với nhiệt độ khoảng 37 độ C, ông cho biết không cần áo khoác hay mền. Qua ngày hôm sau là chi bộ tại đây được một tuổi, ông Olcott đọc diễn văn chúc mừng trong y phục bản xứ bằng vải vì trời quá nóng.
Chương XXX
Có vẻ như trong giai đoạn khởi đầu này của Hội trên đất Ấn, chi bộ được thành lập dọc theo đường xe lửa gần các trạm, vì ông viết như sau.
Yếu tố gây xáo trộn trong việc thành lập chi bộ tại Ấn, là sự kiện công chức luôn bị đổi nhiệm sở từ trạm này sang trạm kia. Nó khiến ta không thể tiên đoán thời hạn sinh hoạt của một chi bộ, vì điều ấy tùy thuộc vào thời gian phục vụ tại trạm của một, hai hay ba hội viên lãnh đạo, những người đã khiến chi bộ thành hình, hướng dẫn hội viên trong công việc hội, và làm cho người trong chi bộ thấy rằng nếu không có họ thì dường như chi bộ phải tan rã.
Vì lý do đó, khi nào có thể được thì chuyện luôn luôn hay là đặt người địa phương sinh sống ở chỗ đó, như luật sư, thương gia, y sĩ hay giáo sư, những ai không là công chức, làm chi trưởng và thư ký, còn ai là công chức khôn ngoan, nhiệt thành thì nhiều phần là họ bị đổi đi trong vài tháng tới. Nhưng nếu việc đổi nhiệm sở đôi khi làm chi bộ tạm thời bị sụp đổ, nó cũng có khuynh hướng làm phục hồi chi bộ đã tan rã, hay tạo nên chi bộ mới, do việc thuyên chuyển của hội viên TTH sốt sắng tới các trạm hết sức cần sự giúp đỡ của họ.
Thế thì guồng máy chính quyền chậm chạp quay và cùng với nó, phong trào TTH tại Ấn tiến dần, luôn mở rộng và củng cố, đặt nền tảng mạnh mẽ trong tâm dân Ấn.
Ông Olcott đi Benares ngày 9. 5 rồi ngày 12. 5 đi Allahabad. Trời tiếp tục nóng và ông lại bị tiêu chẩy, yếu sức nên trong các buổi giảng về sau, ông phải ngồi mà nói thay vì đứng như thường lệ. Công chúng tham dự đông đảo nên khi nào có thể, buổi họp được tổ chức ngoài trời, trải thảm hay khăn trên cỏ và có ghế cho thượng khách. Tại Hardwar, sau buổi giảng mọi người ký tên cám ơn ông và tỏ lòng tin tưởng vào Hội. Ông cho rằng đây là dấu hiệu rất hay, vì do việc HPB và ông quy y làm Phật tử tại Sri Lanka, người Ấn có cái nhìn e dè về Hội, cho rằng hội có thể nghịch với Ấn giáo một cách kín đáo, và không chừng là một công cụ tuyên truyền cho Phật giáo.
Điều khôi hài là nhiều năm sau lúc ông viết nhật ký, lại có khuynh hướng cho rằng Hội thiên về Ấn giáo vì bà Besant mạnh dạn cổ võ cho Ấn giáo. Nhưng ông vững lòng là thời gian làm mọi ảo ảnh bị phơi bầy, và chót hết chân lý thắng thế.
Khi tới Lahore, một kết quả cho chuyến du hành của ông là chi bộ tại Lahore được thành lập. Sau Lahore là tới Bareilly, nhiệt độ xuống ở mức dễ chịu hơn và dễ sống hơn vì mùa gió mậu dịch đã về. Mưa xuống làm đất ẩm ướt khiến cho đủ loại côn trùng xuất hiện. Ông Olcott không biết tới việc ấy, nên khi phòng cho buổi giảng tại Fyzabad có quá đông người, ban tổ chức cho dời ra ngoài sân. Chỗ cho ông là cái bàn với hai ngọn nến được che cho khỏi gió, còn thính giả ngồi trên ghế và thảm.
Ông nói được chừng 15 phút thì côn trùng bị ánh nến thu hút, nên tụ lại bay thành đám bao quanh ông, mùi hôi khó chịu làm ông bắt buộc phải ngưng. Chúng bò lên chân ông trong quần rộng, bò lên tay áo, chui dưới cổ, bay vào mắt, tai, mũi, miệng. Còn ông làm gì ? Ông giũ giũ quần áo, đưa tay lên cổ mò mẫm bắt chúng ra, dậm chân, vuốt tóc gạt côn trùng xuống; ngón tay mà đụng phải bọ xít thì lây mùi hôi nín thở. Đó là chuyện xẩy ra tối đó ở Fyzabad, và ta có thể tưởng tượng khung cảnh không thuận lợi cho việc thảo luận về tôn giáo hay tâm linh, và ông phải rầu rĩ ngưng buổi họp.
Tối hôm sau ông giảng trong phòng thay vì ngoài trời, chỗ họp đặt rải rác mấy thau nước lớn trên nền nhà, và côn trùng vì lẽ bí ẩn nào đó, rơi vào thau và ông có thể trình bầy bài nói chuyện thoải mái. Sau đó ông tiếp tục đến nhiều nơi khác. Trong chuyến đi ông được tin HPB ra tạp chí Lucifer tại Anh, ông không vui nhưng đành chấp nhận. Ông có nhiều thư trao đổi với HPB vào thời gian này vì có thay đổi tại London. Việc HPB nay cư ngụ tại nơi đây khiến một số hội viên tách rời khỏi chi bộ London mà ông Sinnett là chi trưởng, tụ lại quanh HPB lập chi bộ khác tên Blavatsky, làm ông Sinnett phật lòng.
Những nơi có buổi giảng thì cử tọa gồm người theo Ấn giáo lẫn Hồi giáo. Bởi vậy khi nào thuận tiện ông có bài giảng liên quan tới đạo Hồi, và có thính giả đứng lên cám ơn là ông đã đề cập tới các chỉ dạy luân lý trong Hồi giáo. Khi kết thúc chuyến đi thăm các chi bộ trên đất Ấn năm 1887, đoạn đường tính ra dài mười sáu ngàn cây số.
Trong những ngày sau đó, ông được hân hạnh mời đến dùng cơm tại nhà một giáo sư Phạn ngữ uyên bác, Vidyasagara thuộc giai cấp Brahmin. Theo ông đây là một vinh dự chưa hề có trước đây cho ai ở ngoài giai cấp, nhất là cho ông là người nhận mình là Phật tử, mà không bị đòi hỏi phải đáp lại bằng một hy sinh gì. Ông tin đây là hành động bầy tỏ lòng quí trọng và biết ơn, của giới Brahmin đối với việc làm của ông tại Ấn, là khôi phục lại Ấn giáo.
Ngày 23. 7 ông giảng tại Calcutta, và ngày 26. 7 thì ông đi Darjeeling tới chi bộ tại đây, qua vị thư ký ông gặp được một lama Tây Tạng có phép khinh thân. Nhờ trò chuyện với lama này ông biết thêm về các tu viện và lama. Gần như trong mỗi tu viện Tây Tạng có dạy Yoga với bậc thầy thông thạo thuật khinh thân. Dầu vậy học viên bị cấm ngặt không được phép biểu diễn khả năng này.
Đầu tháng tám ông rời Darjeeling là vùng núi cao mát mẻ, trở xuống đồng bằng nóng bức. Sự đối chọi khiến trong người rất khó chịu. Như đã nói, các chi bộ thường ở gần trạm xe lửa nên hai ngày tiếp đó, ông thuyết giảng ngay ở sân ga ! Ông dậy lúc 4 giờ sáng dùng xe lửa, thuyền đi tới các nơi, lập được thêm chi bộ. Khi có bài nói chuyện về Phật giáo trong vùng mà dân cư đều là Phật tử, ông được cho hay là nhiều người ở xa từ 45 hay 60 km cũng lặn lội tới dự, vì muốn nghe một người da trắng có hiểu biết gì về tôn giáo của họ.
Có chỗ muốn tới nơi, ông đi xe bò trống lổng giữa cơn mưa tầm tã, ngang qua vùng có tiếng nhiều cọp, đi trọn đêm như thế trên xe không có lò xo, nghĩa là rất xóc làm xương cốt ê ẩm, rã rời, tới bến ghe lúc 4 giờ sáng. Ông trở về Calcutta vào cuối tháng tám, vài ngày sau lại bắt đầu chuyến đi tới các chi bộ dọc ven biển Coromandel.
Mỗi lần đến các nơi, ông gặp đủ mọi hạng người tiếp đón, hoặc đó là tiểu vương lưu ông lại bàn chuyện triết lý, hoặc là khoa học gia Ấn. Lần đi này tại một số buổi giảng, ông thấy có số đông người tây phương đến dự so với nơi khác. Bình thường họ ít khi dự những buổi giảng cho người Ấn vì không có mấy hảo cảm giữa hai sắc dân. Tới chỗ có nhà truyền giáo Tin Lành hoạt động mạnh, để tỏ tình thân hữu ông mời họ đến dùng cơm, và họ bầy tỏ ý là ông nên từ bỏ đường lối sai lầm của mình (là TTH), và thành nhà truyền giáo Tin Lành như họ ! Đề nghị này chỉ khiến ông Olcott phá ra cười và nói ngược lại, là họ nên rời bỏ hàng ngũ giáo sĩ mà theo ông thành hội viên nhiệt thành cho TTH !
Chuyến đi không phải chỉ viếng thăm các chi bộ, mà còn là dịp cho ông theo dõi hoạt động do các hội viên tự tổ chức, như thành lập trường Phạn ngữ. Ông không nề hà việc ngủ trên nền đá ở sân ga đợi tầu sáng sớm, hay ngủ ở cầu tầu chờ đò, hay trời giông bão, ướt loi ngoi trong thuyền. Ông Olcott về Adyar ngày sau cuộc hành trình dài 262 ngày quanh đất Ấn.
Chi bộ thuở ấy rất khác với chi bộ ta biết hiện nay, dù ở Sài Gòn trước 1975 hay ở đầu thế kỷ 21. Có chi bộ may mắn như chi bộ Blavatsky thành lập tháng 5-1887 tại London, có được thành viên hiểu biết hướng dẫn là chính HPB, còn thì đại đa số các chi bộ phải tự lo thân. Lúc ban đầu chưa có xứ bộ các nước với quyền hạn tự trị ít nhiều so với Adyar, mà mặt hành chánh tập trung hoàn toàn ở Adyar, với niềm tin là các huấn thị, chỉ dạy sẽ từ Adyar đi tới các nơi xa xôi.
Thực tế không giống vậy chút nào, ông Olcott thâu nhận hội viên, phát văn bằng thành lập chi bộ, thu tiền niên liễm, cấp thẻ hội viên rồi chi bộ và hội viên bị để mặc tự xoay sở lấy trongviệc học hỏi. Sách vở có rất ít, số giảng viên đi các nơi không có bao người, thế nên đôi khi công việc của ông Olcott khi đến một nơi, không phải là thành lập chi bộ mới, mà là làm sống lại chi bộ đã ngưng hoạt động một thời gian vì nhiều lẽ.
Và không phải ai cũng hạnh phúc khi tới ở Adyar. Có hội viên Mỹ tình nguyện làm thư ký không công cho ông Olcott, nhưng đến Adyar rồi họ lại không chịu được khung cảnh lặng lẽ, an tĩnh nơi đó và chin ngày sau phải quay lại Hoa Kỳ. Chính ông Olcott giục họ trở về vì thấy họ không hợp với cảnh sống trên đất Ấn, và thức ăn đạm bạc ở Adyar. Dầu vậy, ông khen ngợi là nhờ có kinh nghiệm dù ngắn ngủi, trong bầu không khí hay hào quang hùng mạnh ở Adyar, hội viên này sau đó hoạt động đắc lực cho xứ bộ Hoa Kỳ khi về nước.
(còn tiếp)